Tiệm hớt tóc 0 đồng cho người nghèo của chàng trai 9x
Hơn 6 tháng nay, người dân đi ngang đường Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) thường chú ý nhiều đến tấm bảng treo trước 1 tiệm salon với dòng chữ: "Cắt tóc miễn phí cho người Grab - xe ôm – shipper - trẻ mồ côi - người khuyết tật".
Chủ nhân của tiệm cắt tóc này là chàng trai 9x Nguyễn Minh Vương (SN 1994), quê huyện Nông Sơn, Quảng Nam.
Vốn sinh ra trong nghèo khó, bản thân phải bôn ba khắp nơi, bươn chải đủ nghề để kiếm sống nên Vương hiểu và cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ.
Lăn lộn với nhiều công việc khác nhau, rồi Vương bén duyên với nghề làm tóc và gắn bó với nó ngót nghét cũng gần 7 năm nay. Làm thợ tóc, Vương ấp ủ ước mơ sẽ mở được một salon và có thể giúp đỡ nhiều mảnh đời cơ cực bằng chính cái nghề này.
Chiếc biển hiệu nghĩa tình giữa thành phố xô bồ khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.
Sau nhiều năm dành dụm, cuối cùng Vương cũng có được cơ ngơi cho riêng mình. Ngày khai trương, anh liền treo tấm pano có dòng chữ "cắt tóc miễn phí" ở vị trí dễ thấy nhất, trước cửa tiệm. Đối tượng Vương chọn cắt tóc miễn phí gồm: xe ôm công nghệ (Grab), xe ôm, vé số, nhân viên giao hàng, trẻ em mồ côi khuyết tật,…
Thấy Vương treo biển, mới đầu nhiều người ngạc nhiên, thắc mắc. Thậm chí có người còn cho là anh tìm cách quảng cáo gây sốc chứ ai đời salon tóc sang trọng như thế lại ưu ái cắt miễn phí cho lao động nghèo… Nghe vậy, anh Vương chỉ cười trừ cho qua.
Anh Nguyễn Minh Vương đang cắt tóc miễn phí cho một anh Grab.
"Thực tế những việc tôi làm sẽ nói lên tất cả thôi. Tôi cũng đi lên từ nghèo khó và phải bươn chải lao động mới có được ngày hôm nay. Chính vì vậy mà tôi hiểu, cảm thông với sự cực khổ của những người lao động nghèo và muốn lấy sức mình để sẻ chia bớt một chút khó khăn với họ, giúp họ có thêm niềm vui, thêm yêu cuộc sống. Giúp được ai thì tôi cứ giúp, họ vui là mình vui lây!", anh Vương, tâm sự.
Không phân biệt đối xử khách hàng
Khi tôi thắc mắc, tiệm tóc sang trọng như vậy người nghèo ngại vào thì sao?! Vương thật thà chia sẻ, cũng chính vì phong cách tiệm nên thời gian đầu đặt bảng hớt tóc miễn phí, nhiều người tỏ ra e dè, không dám vào tiệm hớt nghĩ nơi này không dành cho mình. Do đó, mỗi khi vắng khách thì Vương lại ra trước tiệm ngồi, hễ thấy người lao động nghèo đi qua là anh lại chạy ra mời họ vào. Hiện, anh đã có nhiều "khách quen" là các bác xe ôm, chú bán vé số, mua ve chai…
Với Vương, mọi khách hàng vào tiệm cắt tóc đều được anh và nhân viên đối xử như nhau, không phân biệt giàu nghèo, trả tiền hay miễn phí, đều được chăm sóc và cắt tóc rất chỉn chu.
Đi lên từ nghèo khó nên anh Vương muốn đem một chút sức mình giúp lại người nghèo khó.
Với Vương, mọi khách hàng vào tiệm cắt tóc đều được anh đối xử như nhau, không phân biệt giàu nghèo, đều cắt tóc một cách chu đáo.
"Từ ngày mở được tiệm và hớt tóc miễn phí cho những người lao động nghèo, tôi vui lắm vì điều mình ấp ủ bao năm đã thành hiện thực. Người khách đầu tiên là một ông cụ bán vé số. Hôm đó, ông đi bán dạo ngang qua đoạn đường này, rồi cứ nhìn mãi tấm biển cắt tóc miễn phí của tiệm, nhưng cứ chần chừ mãi không dám vào vì sợ bị lừa. Thấy vậy, tôi liền chạy ra mời ông cụ vào. Sau khi cắt xong mái tóc ưng ý mà không phải trả tiền, ông cụ mừng lắm... Thấy ông vui vẻ, mình cũng hạnh phúc theo", anh Vương hào hứng kể.
Trung bình mỗi ngày, tiệm của Vương cắt tóc miễn phí cho 6-8 người, ngày đông thì hơn 10 người. Mỗi người đến cắt tóc, Vương đều ân cần hỏi thăm công việc, gia đình, sức khỏe. Sau khi cắt xong, anh đều dặn họ lần sau nhớ quay lại cắt tiếp và giới thiệu thêm cho những người khó khăn khác biết.
Không chỉ hớt tóc miễn phí cho người nghèo, anh Vương còn nhận đào tạo nghề không công cho trẻ em mồ côi và những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Vừa được hớt tóc miễn phí xong, anh Phạm Văn Công (SN 1982, chạy Grab) cười tươi, cho biết: "Được bạn bè giới thiệu nên trưa nay tranh thủ lúc vắng khách, tôi ghé vào tiệm của anh Vương để hớt tóc. Nói thiệt, thấy cái tiệm sang quá nên tôi cứ chần chừ mãi, không dám vào. Công nhận cậu chủ tiệm ở đây dễ thương quá, vừa cắt vừa nói chuyện thật gần gũi. Chạy xe ôm như tôi thu nhập bấp bênh. Ngày nào có khách thì có tiền lo chi phí cho gia đình, ngày nào ế ẩm coi như không có tiền xăng. Những tiệm cắt tóc miễn phí như thế này giúp tôi đỡ phần nào chi phí".
Là một trong những "khách hàng ruột", thường xuyên cắt tóc miễn phí tại đây, ông Châu Văn Thành (SN 1966, trú quận Cẩm Lệ, chạy xe ôm) cho biết, trong một lần đi ngang qua đây, thấy dòng chữ cắt tóc miễn phí, ông dừng lại trước cửa nhưng không dám vào vì "tiệm lớn và sang trọng quá". Thấy vậy, cậu nhân viên trong tiệm chạy vội ra dắt xe, nhiệt tình mời ông vào cắt tóc. Sau lần ấy, ông trở lại đây thường xuyên hơn...
"Mặc dù cắt miễn phí nhưng nhân viên rất cẩn thận, kỹ lưỡng hỏi ý kiến khách thích kiểu nào. Tôi rất quý tấm lòng của những chàng trai trẻ ở đây và sẽ giới thiệu cho các đồng nghiệp của mình biết chỗ này", ông Thành, chia sẻ.
Việc làm giản dị "hớt tóc miễn phí" của anh Vương đã đóng góp thêm những hành động đẹp giữa đời thường để mọi người cảm nhận được tình người luôn ấm áp ở Đà Nẵng.
Được biết, trước khi mở tiệm, Vương cũng đã nhiều lần đi cắt tóc miễn phí cho những trẻ mồ côi ở làng SOS và người khuyết tật tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Hễ có bạn bè giới thiệu ở đâu có những người có hoàn cảnh khó khăn là anh lại xách túi đồ nghề đi tới đó để cắt tóc. Vương cũng từng cùng các đồng nghiệp nhiều lần tổ chức các buổi cắt tóc miễn phí cho người lao động nghèo, học sinh, sinh viên... tại các tuyến phố, khu công nghiệp ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
"Tôi không giàu có nên chỉ có thể giúp đỡ những người nghèo bằng chính cái nghề của mình. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều người nghèo biết đến chỗ này và tới cắt tóc miễn phí. Chỉ cần nhìn thấy nụ cười hạnh phúc và nhận lại những lời cảm ơn từ họ là mình vui rồi!", Vương trải lòng.